Bốn ông thần kinh chế tạo xuồng năng lượng mặt trời
Ông Lê Hoàng Long, giám đốc Trung tâm du lịch và giáo dục môi trường Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), reo vui thông báo như trên qua điện thoại.
Dưới cái nắng chói chang, chiếc thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời rẽ sóng lướt băng băng. Không một tiếng động cơ, chỉ có tiếng sóng nước ập vào thân thuyền rào rạt.
Chẳng ai ngờ bốn ông “hai lúa” xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) lại có thể chế tạo thành công phương tiện này, kể cả người thân trong gia đình mấy ông cũng chẳng ai dám tin đều đó.
Bốn ông “thần kinh”
Ông Huỳnh Thiện Liêm, Nguyễn Văn Dũng, Thái Văn Hoàng, Huỳnh Văn Trăng được người dân “phong tặng” biệt hiệu bốn ông “thần kinh” kể từ khi các ông bắt tay vào sáng chế thuyền năng lượng mặt trời.
Không “thần kinh” sao được khi giữa cái nắng như thiêu như đốt mà bốn ông lại hì hục suốt ngày với chiếc thuyền, chốc chốc lại nhảy ùm xuống sông tháo ra một cái chân vịt gãy cánh. Bản thân bốn ông đến giờ phút này cũng phải cười lớn về hành động khác người của mình.
Ông Trần Văn Đúng, nông dân ở tỉnh Long An, sau khi xem xét từng chi tiết của chiếc thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời đã gặp ông Liêm đề nghị: “Chú Liêm làm ngay cho tui một chiếc. Tui mua để dành đi ra đồng cho đỡ tốn tiền xăng dầu. Tui tính rồi, thuyền này tuy giá có hơi cao một chút nhưng không phải lo chuyện xăng dầu tăng giá”. |
Ý tưởng làm thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời xuất phát từ ông Liêm. Ông bảo chiếc thuyền chạy không tốn dầu, không tiếng ồn, thân thiện môi trường đã nằm trong đầu ông hàng tháng trời.
Rồi một ngày ông quyết định chia sẻ ý tưởng với ông Dũng, thợ cơ khí có tiếng trong vùng.
“Lúc đầu cũng sợ anh Dũng cười “thúi mũi”, hổng ngờ ảnh vỗ đùi nói ảnh cũng muốn làm lâu rồi. Rồi tui rủ thêm anh Trăng rành về máy móc thiết bị. Vậy là ba anh em bắt tay vô làm” - ông Liêm nhớ lại.
Ông Liêm vốn là thợ lắp ráp pin năng lượng mặt trời cho những hộ dân vùng sâu vùng xa mà lưới điện quốc gia chưa tới được. Từ vốn liếng tích lũy này mà bước đầu khi bắt tay vào làm thuyền năng lượng cũng không mấy khó khăn.
Tuy nhiên đến đoạn truyền tải điện vào động cơ thì chân vịt gãy cánh liên tục. Lúc này cả ba người quyết định tìm đến ông Hoàng, biệt danh Hoàng “lác”.
“Người ta kêu ổng vậy vì ổng bị lác cùng mình, nhưng cái tên này cũng có giá lắm. Ổng chuyên làm bộ phận chân vịt của máy ghe mà hồi xưa ai ra chợ mua không thấy tên ổng trên chân vịt là không chịu mua đâu” - ông Trăng chia sẻ.
Pin năng lượng đã có ông Liêm, chân vịt “giở chứng” thì ông Hoàng thiết kế lại rồi đưa ông Dũng mài giũa. Sau khi mọi chi tiết đã hoàn thành, ông Trăng sẽ đảm nhiệm ráp chúng lại và vận hành bánh lái cho trơn tru.
Mặc bao chê cười, rào cản kỹ thuật, cả bốn người đã gặt hái được thành công bước đầu. Trên chiếc thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời, cả bốn ông có thể ưỡn ngực hát ca “nắng lên rồi căng buồm cho khoái, gác chèo lên ta nướng khô khoai, hò ơi...”.
Do không hề có tiếng động cơ nên giọng hát của bốn người vừa xướng lên đã gây chú ý cả một khúc sông.
Những đơn hàng đầu tiên
Sáng 31-5, căn nhà của ông Liêm bất ngờ có nhiều vị khách đặc biệt ghé thăm. Đó là đoàn cán bộ của UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Tháp Mười, Vườn quốc gia Tràm Chim và các sở, ban ngành tỉnh cùng một nông dân ở tận Long An.
Những vị khách này đang rất hiếu kỳ về sản phẩm mới của bốn ông “hai lúa”. Hơn nữa, một số người cũng đến tìm hiểu để nếu phương tiện chạy êm ái, họ sẽ đặt “nóng” mấy chiếc để sử dụng.
Sau khi nắm được yêu cầu của các bên, bốn ông không giải thích nhiều mà dẫn ngay cả đoàn ra bến sông “mục sở thị” đứa con tinh thần.
Lần lượt những vị khách được bước lên thuyền năng lượng thử cảm giác đi trên sông không cần người chèo, cũng không tốn nhiên liệu. Hầu hết vị khách hôm đó đều tỏ ra rất thích thú với quá trình vận hành của thuyền.
Vừa cập bến, ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, liền chia sẻ:
“Tôi rất hoan nghênh tinh thần sáng tạo của những anh nông dân này. Thuyền này đưa vào khai thác trong các khu du lịch sinh thái rất phù hợp vì thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, nếu đưa những chiếc thuyền vào Vườn quốc gia Tràm Chim thay cho thuyền chạy máy dầu thì thật tuyệt vời. Tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Liên quan đến những chi tiết chưa phù hợp, ông Hùng góp ý: “Nên thay đổi thiết kế phần thân thuyền để đảm bảo an toàn cho du khách hơn. Có thể chế tạo kiểu dáng, màu sắc của thuyền trông giống như các con vật để góp phần tuyên truyền bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như tạo cảm giác mới lạ cho du khách như thuyền sếu đầu đỏ, thuyền cá lóc, thuyền cá trê chẳng hạn”.
Ông Nguyễn Quang Tuyên, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp, sau khi trải nghiệm cảm giác đi thuyền năng lượng mặt trời đã bước thẳng đến bốn nhà sáng chế để bắt tay và khen ngợi.
Ông chia sẻ: “Tôi vui mừng lắm. Thuyền năng lượng mặt trời rất phù hợp với đề án du lịch của Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 với phương châm thuần khiết như hồn sen.
Phải đặt hàng ngay thôi. Hơn nữa, đây lại là sáng tạo của nông dân thì càng đáng trân trọng. Phải nói các anh rất có tâm huyết mới kiên trì để có thành công như hôm nay”.
Tốc độ 20 km/giờ, chạy được 3 giờ nếu tắt nắng Thuyền năng lượng mặt trời có kết cấu khá đơn giản gồm: hai tấm pin năng lượng mặt trời, hai bình ăcquy để nạp năng lượng, động cơ năm số tới và hai số lùi. “Hễ trời có nắng là thuyền sẽ chạy chứ không cần đợi nạp năng lượng. Trường hợp đang chạy mà tắt nắng thì động cơ sẽ sử dụng năng lượng tích trữ trong bình ăcquy. Trung bình khi bình ăcquy được nạp đủ năng lượng sẽ sử dụng được ba giờ với vận tốc 20 km/giờ” - ông Liêm cho biết. |
Có thể bạn quan tâm
Tổng đàn bò của huyện Ba Tri (Bến Tre) hiện có khoảng 71 ngàn con, trong đó xã Phước Tuy có trên 3.600 con. Ông Nguyễn Văn Lư - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Phước Tuy, chia sẻ: “Những năm gần đây, nghề nuôi bò thịt phát triển mạnh, xã có hơn một ngàn hộ nông nghiệp thì hầu như nhà nào cũng nuôi từ một đến hai con bò, có nhà nuôi năm, bảy con đến cả chục con”. Nghề nuôi bò sinh sản, bò thịt vỗ béo đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và nhân rộng số hộ khá, giàu tại xã.
Được sự giới thiệu của anh Lê Đình Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân Tp. Phan Rang Tháp Chàm, chúng tôi đến khu phố 6, phường Phủ Hà tìm gặp ông Lê Tấn Báu, nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi của thành phố.
Liên quan đến thông tin liệu có dừng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp hay không, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Vẫn tiếp tục chương trình này, vì qua thực tiễn thí điểm, kết quả đạt được tương đối tốt và có nhiều ý kiến đề xuất đưa ra thực hiện đại trà.
Sáng sớm ngày 13-3, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Lương 51 tuổi tất bật vào mùa thu hoạch thuốc lá vàng sấy. Anh Lương là một trong những nông dân tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu bảo đảm cuộc sống no ấm từ đồng đất Nha Húi thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Anh vận động gia đình thi đua sản xuất giỏi tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi thật sự ấn tượng trước mô hình kinh tế gia trại phát triển theo hướng bền vững của ông Huỳnh Miên. Hệ thống gia trại được đầu tư xây dựng nề nếp phản ảnh tinh thần nỗ lực vươn lên làm giàu từ nông nghiệp, chung tay xây dựng nông thôn mới của người nông dân có gần nửa thế kỷ gắn bó với vùng đất xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước.